PDA

Xem bản đầy đủ : Quản lý nhà nước về xây dựng



luongvancanh
21/08/22, 10:58 PM
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho nhân viên nhà nước
Link tải về:
https://www.dropbox.com/s/n92424bcoeik72h/QLNN%20V%E1%BB%80%20X%C3%82Y%20D%E1%BB%B0NG.pdf?dl =0
Nội dung đọc thêm các bạn xem ở trang kế tiếp

luongvancanh
22/08/22, 10:31 PM
Khái niệm quản lý nhà nước về xây dựng
Quản lý nhà nước về xây dựng là phạm trù của quản lý nhà nước về kinh tế nói chung được vận dụng cụ thể cho hoạt động đầu tư xây dựng (gọi tắt là xây dựng) phù hợp với lý luận của khoa học quản lý.
Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương dựa trên cơ sở quy hoạch, định hướng, pháp luật, chính sách và các công cụ quản lý khác để tác động đến hoạt động đầu tư xây dựng và các chủ thể tham gia quản lý, thực hiện nó nhằm điều chỉnh các hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng pháp luật xây dựng đảm bảo cho các hoạt động đầu tư xây dựng hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đặt ra ban đầu.
Trong đó, hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng. Hoạt động xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
Mục tiêu (https://quanlyduanxaydung.net/blog/khai-niem-va-muc-tieu-cua-quan-ly-du-an-dau-tu-xay-dung.html) của quản lý nhà nước về xây dựng là toàn bộ các chỉ tiêu kỳ vọng, mong đợi trong tương lai cần đạt được của quản lý nhà nước về xây dựng. Bao gồm các mục tiêu chung về kinh tế như: mục tiêu về tài chính kinh tế, mục tiêu về xã hội, mục tiêu về quốc phòng an ninh, mục tiêu về môi trường và sự phát triển bền vững.
Đồng thời quản lý nhà nước về xây dựng còn bao gồm thỏa mãn các mục tiêu riêng của quản lý nhà nước về xây dựng như: đảm bảo xây dựng theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã phê duyệt; đảm bảo thực hiện xây dựng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành (https://quanlyduanxaydung.net/blog/cac-van-ban-phap-ly-co-ban-ve-quan-ly-du-an-xay-dung.html); đảm bảo sự hài hòa các lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng.

Vai trò của quản lý nhà nước về xây dựng

Sự cần thiết của quản lý nhà nước về xây dựng
Những đặc điểm (https://quanlyduanxaydung.net/blog/dac-diem-phan-loai-va-cac-giai-doan-cua-du-an-dau-tu-va-du-an-dau-tu-xay-dung.html) sau đây dẫn đến sự cần thiết của quản lý nhà nước về xây dựng:
– Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, hạ tầng kinh tế xã hội; công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh; công trình thuộc lĩnh vực môi trường là khá lớn mà lĩnh vực đầu tư này khó hoặc không thể thu hút đầu tư của các doanh nghiệp tham gia nên cần thiết phải có nhà nước thực hiện.
– Hoạt động đầu tư gắn liền đến các lợi ích của nhà nước, lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của các cộng đồng xã hội và là hoạt động quan trọng nhằm tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của toàn bộ nền kinh tế nên cần thiết phải có quản lý nhà nước về xây dựng.
– Đầu tư xây dựng công trình gắn liền với quy hoạch sử dụng đất; sử dụng tài nguyên quốc gia; bảo vệ môi trường và lợi ích cộng đồng nên đòi hỏi phải có quản lý nhà nước về xây dựng.
– Đầu tư xây dựng (https://quanlyduanxaydung.net/blog/khai-niem-du-an-dau-tu-va-du-an-dau-tu-xay-dung-2.html) công trình mà công trình là sản phẩm có ý nghĩa tổng hợp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh nên đòi hỏi phải có quản lý nhà nước về xây dựng.
– Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều do đo đòi hỏi phải có cơ quan nhà nước tham gia quản lý.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý xây dựng
Trong nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia các hoạt động xây dựng nên đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thực hiện các công việc sau:
– Xây dựng đường lối, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ.
– Xác định tổng quy hoạch xây dựng phù hợp với đặc điểm của từng vùng lãnh thổ.
– Thể chế hóa các văn bản pháp luật (https://quanlyduanxaydung.net/blog/cac-van-ban-phap-ly-co-ban-ve-quan-ly-du-an-xay-dung.html), tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các hoạt động xây dựng.
– Xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bình đẳng cho các hoạt động xây dựng.
– Quản lý chặt chẽ các yêu cầu về an toàn, chất lượng, khai thác sử dụng, sử dụng đất đai và bảo vệ các lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
– Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động xây dựng.
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra xứ lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng.

Mục đích của quản lý nhà nước về xây dựng
Mục đích (https://quanlyduanxaydung.net/blog/khai-niem-va-muc-tieu-cua-quan-ly-du-an-dau-tu-xay-dung.html) của quản lý nhà nước về xây dựng là:
– Đảm bảo cho các hoạt động xây dựng thực hiện đúng đường lối, chủ trương, kế hoạch đã định và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan như luật quy hoạch, luật đất đai và môi trường, luật đấu thầu…
– Nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là nhận thức về pháp luật xây dựng trong quá trình thực hiện hoạt động xây dựng.
– Tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình nhanh chóng, thuận lợi, hoàn thành tốt mục tiêu của dự án đặt ra.
– Quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội phục vụ cho các hoạt động xây dựng.
– Tạo điều kiện nâng cao hiệu quả và đảm bảo hài hòa các lợi ích cho các chủ thể (https://quanlyduanxaydung.net/blog/cong-tac-phoi-hop-cac-ben-trong-thi-cong-xay-dung-cong-trinh-cua-ban-quan-ly-du-an.html) trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng
Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
– Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường xây dựng và năng lực ngành xây dựng.
– Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng;
– Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng.
– Tổ chức, quản lý thống nhất quy hoạch xây dựng, hoạt động quản lý dự án, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; ban hành, công bố các định mức và giá xây dựng.
– Hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng, thực hiện quản lý công tác đấu thầu trong hoạt động xây dựng; quản lý an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình.
– Cấp, thu hồi giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng.
– Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức, pháp luật về xây dựng.
– Đào tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
– Quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng.
– Quản lý, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng.
– Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.

Các lĩnh vực của quản lý nhà nước về xây dựng
Các lĩnh vực của quản lý nhà nước về xây dựng là toàn bộ các hoạt động đầu tư xây dựng của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực:
– Quy hoạch xây dựng.
– Khảo sát và thiết kế xây dựng.
– Cấp phép xây dựng.
– Xây dựng công trình.
– Chi phí đầu tư và hợp đồng xây dựng (https://quanlyduanxaydung.net/blog/quan-ly-khoi-luong-thi-cong-chi-phi-dau-tu-xay-dung-va-hop-dong-xay-dung.html).
– Điều kiện năng lực.
– Dự án đầu tư xây dựng (https://quanlyduanxaydung.net/blog/khai-niem-du-an-dau-tu-va-du-an-dau-tu-xay-dung-2.html).

Khái niệm, vai trò của quản lý nhà nước về xây dựng trong việc thực hiện đúng trình tự đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng

Khái niệm quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng
Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của dự án đầu tư xây dựng thực chất là quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư xây dựng (gọi tắt là xây dựng) nên khái niệm quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng được vận dụng khái niệm quản lý nhà nước đối với xây dựng vào quản lý dự án.
Quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng là tác động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hệ thống pháp luật, định hướng, chiến lược, chương trình, chính sách… đến các công việc của dự án và chủ thể thực hiện nó nhằm hoàn thành các mục tiêu quản lý của nhà nước và mục tiêu của chủ thể khác có liên quan.

Vai trò của quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng

Sự cần thiết của quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng
Quản lý các hoạt động của dự án đầu tư xây dựng cần thiết phải có quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm để kiểm soát dự án ở các nội dung cơ bản sau:
– Sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất…
– Sự phù hợp với yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, an toàn môi trường.
– Sự phù hợp với yêu cầu quản lý dự án theo tính chất, quy mô, loại và cấp công trình có trong dự án đã được phê duyệt.
– Quản lý nhà nước đối với dự án đảm bảo cho sự hài hòa lợi ích và bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.
– Quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng đảm bảo cho các hoạt động của dự án thực hiện thuận lợi, an toàn, đúng pháp luật…

Vai trò của quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng
a) Đối với dự án đầu tư xây dựng nói chung
Quản lý nhà nước ngăn ngừa, khống chế các ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm đầu ra mà dự án cung cấp cho nền kinh tế quốc dân như dư thừa, tồn đọng sản phẩm, mất cân đối về cơ cấu sản phẩm…
Quản lý nhà nước ngăn ngừa các ảnh hưởng tiêu cực của sử dụng các yếu tố đầu vào cho dự án đến sự phát triển kinh tế, an toàn, an ninh xã hội…
Quản lý nhà nước phải ngăn ngừa các ảnh hưởng tiêu cực khác của dự án đến việc duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, bảo tồn vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…
Quản lý nhà nước phải bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan tới dự án và tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho dự án hoạt động.
Quản lý nhà nước phải tập trung thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà lĩnh vực xây dựng này không có khả năng sinh lời trực tiếp.
b) Đối với dự án quan trọng quốc gia
Quản lý nhà nước trước hết phải thực hiện tốt vai trò của cơ quan nhà nước đối với dự án nói chung như được nêu trên, đồng thời phải thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác như sau:
– Hỗ trợ ban quản lý dự án thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đại diện sở hữu nhà nước tại dự án.
– Kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa các lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án.

Quản lý nhà nước về xây dựng trong việc thực hiện đúng trình tự đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng
Nhằm phát huy được vai trò quản lý nhà nước về xây dựng và đạt được các mục tiêu của quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý nhà nước về xây dựng phải phù hợp với các nguyên tắc quản lý nhà nước về kinh tế đối với toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân, đồng thời phải phù hợp với các nguyên tắc riêng của quản lý nhà nước về xây dựng. Một trong các nguyên tắc riêng đó là sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên khu vực dự án; đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.
Trình tự đầu tư đối với dự án là thứ tự các công việc của dự án được sắp xếp và thực hiện theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thuận lợi và hiệu quả cao nhất.
Trình tự đầu tư đối với dự án (https://quanlyduanxaydung.net/blog/dac-diem-phan-loai-va-cac-giai-doan-cua-du-an-dau-tu-va-du-an-dau-tu-xay-dung.html) bao gồm 03 giai đoạn:
* Giai đoạn chuẩn bị dự án:
Bao gồm các công việc từ khi hoàn thành chủ trương đầu tư cho dự án (lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) đến khi có quyết định đầu tư cho dự án (lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng).
* Giai đoạn thực hiện dự án:
Giai đoạn thực hiện dự án là toàn bộ các công việc từ khi có quyết định đầu tư cho đến khi hoàn thành các công trình, hạng mục công trình trong dự án.
* Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng (trừ trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ).
Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần trong đó mỗi dự án thành phần có thể vận hành độc lập, khai thác sử dụng hoặc được phân kỳ đầu tư để thực hiện thì dự án thành phần được quản lý thực hiện như một dự án độc lập. Việc phân chia dự án thành phần hoặc phân kỳ đầu tư phải được quy định trong nội dung quyết định đầu tư.
Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, người quyết định đầu tư quyết định việc thực hiện tuần tự hoặc kết hợp, xen kẽ các công việc trong giai đoạn thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Trên đây mình đã trình bày về khái niệm, vai trò, mục đích, nội dung và các lĩnh vực của quản lý nhà nước về xây dựng; và về quản lý nhà nước về xây dựng trong việc thực hiện đúng trình tự đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng.
Nguồn: https://quanlyduanxaydung.net/blog/quan-ly-nha-nuoc-ve-xay-dung.html