PDA

Xem bản đầy đủ : Tính dự toán xây dựng với thuế VAT là 8% hay 10%?



luongvancanh
04/07/23, 08:26 PM
Trong thời gian dịch Covid, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-15-2022-ND-CP-mien-giam-thue-theo-Nghi-quyet-43-2022-QH15-chinh-sach-tai-khoa-501143.aspx) trong đó giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ. Lúc đó nhiều tổ chức và cá nhân không hiểu hết các văn bản pháp luật nên khi tính dự toán xây dựng công trình với thuế VAT là 8%. Rồi sao đó lại phải điều chỉnh lại 10% sau ngày 31/12/2022.

Tương tự như vậy. Hiện nay Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội để giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng. Vấn đề lại lặp lại như thời Covid, nhiều tổ chức và cá nhân không am hiểu hết các văn bản pháp luật nên khi lập, thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình với thuế VAT là 8%. Rồi trong tương lai, khi công trình chưa thực hiện xong trước ngày 31/12/2023, lại phải lập, thẩm định, phê duyệt dự toán điều chỉnh thuế suất lại 10%.

Xin nhắc lại: không có văn bản nào hướng dẫn về việc tính dự toán xây dựng công trình phải tính với thuế suất là 8% cả. Chỉ có các văn bản như Nghị định 15/2022/NĐ-CP, 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn trong thời gian được giảm thuế, khi thanh toán các khối lượng hoàn thành hoặc là mua bán hàng hóa, khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “8%”.

Việc lập dự toán công trình là để dự trù kinh phí để xác định giá trị cần có của nguồn vốn cần thanh toán các khối lượng thực hiện thông qua giá của hợp đồng. Về mặt quản trị dự án, không thể xác định rằng các dự án đang tính dự toán công trình sẽ hoàn thành trước 31/12/2023; Hiển nhiên, cũng có một số dự án lớn, ta biết chắc là dự án sẽ kéo dài qua khỏi thời điểm 31/12/2023. Vậy tại sao ta lại tốn nguồn lực để lập, thẩm định, phê duyệt dự toán với thuế suất là 8% rồi sau 31/12/2023 lại tiếp tục tiêu tốn nguồn lực lập, thẩm định, phê duyệt dự toán với thuế suất là 10%. Đây là một cách làm nghèo đất nước mà chắc chắn là Chính phủ và Quốc hội không mong muốn khi ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP.

Giải quyết vấn đề:
- Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán với thuế suất là 10% (vì đây chỉ mới dự trù tiền để trả).
- Khi thanh toán (thực sự trả tiền), khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “8%”. Để phục vụ cho việc thanh toán, ta tổng hợp các loại hàng hóa được thanh toán trong kỳ (bảng tổng hợp vật liệu) được giảm xuống 8% theo quy định thành một bảng, lấy giá trị tổng trước thuế của nó nhân với 2% = chính là giá trị giảm thuế VAT theo Nghị định.

Kết luận: Ta lập, thẩm định, phê duyệt dự toán với thuế suất là 10%, với cách làm nêu trên, không phải tốn nguồn lực cho việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán 2 lần như đã mô tả ở trên. Quan trọng hơn là không phải tốn nguồn lực của xã hội thêm 1 lần, góp phần tăng năng suất lao động, GDP của đất nước.